V-League 2017 đã trôi qua nửa chặng đường. Có quá nhiều vấn đề cần chấn chỉnh nhưng cũng là “cái ung” mãi là không làm được. Và, một trong những điều mà những người làm công tác tổ chức của giải đấu dường như đã bỏ quên, đó là khán giả. Liệu rằng, họ có thấy các khán đài đang dần trống vắng?
Theo số liệu thống kê từ BTC, sau 13 vòng đấu, sân cỏ cả nước có tổng cộng 523.000 người (trung bình: 5,943 người/trận) đến xem V-League. Con số này chỉ mới lấp đầy khoảng 1/3 sân vận động, với việc lấy sân Thanh Hóa với khoảng 14.000 người làm dẫn chứng. Còn những sân có sức chứa lớn hơn như sân Thống Nhất, Hàng Đẫy hay Lạch Tray thì con số ấy chẳng thấm vào đâu.
Điều đó nói lên rằng, các sân cỏ Việt Nam đang rất lạnh lẽo và nhận không ít sự thờ ơ của khán giả. Vậy mới thấy rằng những cố gắng và nỗ lực của Quyền chủ tịch Lê Công Vinh hay chủ tịch Nguyễn Giang Đông trong thời gian qua hòng kéo khán giả đến sân mới thật sự trân trọng. Họ, những con người đang hết mình vì bóng đá, vì đội bóng và vì sự sôi động trong các trận đấu.
Tuy nhiên, hai cá nhân trên cũng như hàng loạt ông chủ của đội bóng cùng BTC đã quên đi một việc. Đó là tính chất quan trọng của các trận đấu, sự quyết liệt và tính chuyên môn cao của những trận đấu ấy lại chưa được đề cao. Việc xóa tên doanh nghiệp và trả lại đội bóng mang tên địa phương cũng không mang nhiều ý nghĩa nếu đội bóng ấy vẫn chưa thể là của “nhân dân”.
Tại sao khán giả xa lánh dần những thánh địa như Vinh, Long An, Gò Đậu,...? Sự hiu hắt và buồn tẻ trên các khán đài là điều được dự báo trước và có không ít người đã lý giải rằng, bóng đá không còn được thu hút nữa. Đó là nhận định sai, nhất là với một dân tộc yêu bóng đá như Việt Nam. BTC và những người làm bóng đã đã không biết hoặc không tìm được cách để kéo khán giả đến sân.
Vừa qua, Công Vinh đã cho sửa sang lại nhà vệ sinh của sân Thống Nhất. Một việc làm tuy nhỏ nhưng đánh động cho toàn V-League. Đó là, chỉ một việc rất nhỏ ấy nhưng có thể các sân bóng sẽ vắng dần khán giả. Liệu rằng, khán giả còn nhiệt tình đến sân không khi mà hơn 90 phút họ sẽ phải chịu trận mà không dám vào nhà vệ sinh?
Đó chỉ là việc rất nhỏ. Còn việc lớn hơn chính là các trận đấu. Bạo lực leo thang, trọng tài thiếu chuyên môn, tranh cãi như hàng chợ trên sân và cách điều hành giải còn quá nhiều hạn chế. Những điều ấy đang xảy ra hàng tuần thì thử hỏi, có bao nhiêu khán giả sẽ đội mưa đội nắng đến sân để xem bóng đá. Rõ ràng là không có ai chấp nhận đến sân chỉ để xem những điều thật đáng buồn kể trên cả.
Đã bước vào tuổi 17 nhưng xem ra V-League vẫn chưa thể là món ăn tinh thần hàng tuần cho khán giả được. Chưa chuyên nghiệp từ những con người làm bóng đá thì chắc hẳn, giải đấu mà họ tổ chức cũng không thể gọi là chuyên nghiệp. Khi đó, đừng mong khán giả đến sân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét